Phát triển cây công nghiệp chủ lực: Xóa vòng luẩn quẩn "trồng - chặt"

Cây công nghiệp chủ lực là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

 

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các loại cây này còn manh mún, không theo quy hoạch, dẫn tới chặt phá hoặc vượt quy hoạch theo vòng luẩn quẩn… Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, phát triển bền vững.

nn.jpg
Chăm sóc cây cà phê tại huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Công Lý

 

Từ trồng “phong trào”...

Thời gian qua, nhiều loại cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, như: Cà phê, cao su, điều… do giá trị và sản lượng xuất khẩu tăng cao nên một số địa phương trồng vượt quy hoạch, ảnh hưởng tới giá bán trên thị trường và khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đơn cử: Diện tích cà phê hiện đã đạt 709.000ha, trong khi quy hoạch đến năm 2030 là 479.000ha. Như vậy, diện tích cà phê tăng gần 2 lần so với quy hoạch, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Khác với cà phê, cây hồ tiêu một thời mang lại giá trị cao cho nông dân nhưng mấy năm trở lại đây, do giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên chặt và chuyển sang cây trồng khác. Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm. Năm 2020, diện tích đạt hơn 130.000ha; năm 2023 còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn/năm. Dự báo diện tích hồ tiêu sẽ giảm tiếp do nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng sầu riêng bởi lợi nhuận cao hơn. Tình trạng này có thể khiến ngành hồ tiêu Việt Nam không chủ động được sản xuất, khó kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu...

Có thể nói, việc phát triển cây công nghiệp chủ lực còn hạn chế do sản xuất manh mún, không theo quy hoạch, chạy theo thị trường... dẫn đến tình trạng được mùa - mất giá. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, hiện công nghệ chế biến sâu sản phẩm cây công nghiệp ở Việt Nam còn yếu, chưa đồng bộ nên sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, chất lượng và sức cạnh tranh kém. Ngoài ra, ở nhiều nơi, người dân trồng theo phong trào (cây cao su, cà phê…) dẫn đến tăng trưởng nóng về diện tích, làm mất tính ổn định và bền vững…

... đến sản xuất theo hướng hàng hóa

Để khắc phục bất cập, ngày 26-1-2024, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 nhằm hoàn thiện quy hoạch sản xuất cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ; quy hoạch sản xuất cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, phát triển bền vững.

Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 gồm các loại cây: Cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa. Theo đó, diện tích các loại cây này đến năm 2030 đạt 2,1-2,3 triệu héc ta. Về sản lượng, cây cà phê nhân đạt 1,8-2 triệu tấn, mủ cao su thô 1,3-1,5 triệu tấn, chè búp tươi 1,2-1,4 triệu tấn, hạt điều 360-400 nghìn tấn, hồ tiêu 180-230 nghìn tấn, dừa 2,1-2,3 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp chủ lực đạt 14-16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, cà phê vẫn đang là cây trồng chủ lực của tỉnh này với giá trị xuất khẩu khoảng 800 triệu USD/năm, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và 18,3% của cả nước. Tuy nhiên, với diện tích hiện nay, tỉnh không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng gắn với xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý để phát triển thương hiệu...

Để nâng giá trị cây công nghiệp chủ lực, các địa phương cần khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm gắn với đào tạo kỹ thuật cho nông dân trong quá trình sản xuất. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, các địa phương cần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển vùng trồng cây công nghiệp. Đối với cây chè, cao su, tiêu, điều, dừa..., cần chuyển mạnh từ trồng mới sang đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong cải tạo giống, bảo vệ thực vật, chăm sóc..., qua đó tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Mặt khác, phát triển cây công nghiệp chủ lực cần gắn với phát triển du lịch; xây dựng chuỗi liên kết giá trị để giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có cơ chế thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào sản xuất và chế biến sản phẩm cây công nghiệp theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm.

Ngọc Quỳnh/Theo HNMO